Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Ðôi điều về chất lượng dược liệu hiện nay

Trong mươi năm gần đây, khi nhu cầu được khám và chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng tăng thì chất lượng dược liệu lại có chiều hướng kém khiến thầy thuốc không thể yên tâm còn người bệnh thì vô cùng lo lắng. Theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta tiêu thụ hơn 50.000 tấn dược liệu, trong đó 60 - 70% được nhập từ nước ngoài, hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc chiếm tới 80%. Chất lượng dược liệu giảm sút thể hiện ở những khía cạnh như sau:

Dược liệu bị nhầm lẫn và làm giả, không đúng với tên của nó trong dược điển

Một dược liệu đúng là dược liệu đó phải đúng tên, đúng loài, đúng giống, đúng bộ phận dùng. Người ta phải tiêu chuẩn hóa các đặc trưng về hình thái, vi phẫu, bột và các phản ứng đặc trưng của hoạt chất hoặc “chất đặc trưng” tiêu biểu cho dược liệu đó. Tuy nhiên, trên thực tế, do thiếu hiểu biết hay cố tình “treo đầu dê, bán thịt chó”, nhiều gian thương đó đánh tráo dược liệu giả để trục lợi. Ví như:

Hoài sơn theo quy định của Dược điển Việt Nam là rễ cây củ mài, nhưng hiện nay người ta chế vị thuốc này không chỉ từ củ mài mà còn từ củ mỡ, củ cọc, thậm chí từ cả củ mỡ tím.Chất lượng dược liệu luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Chất lượng dược liệu luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Thăng ma không phải là thân rễ củ của một số loài thăng ma thuộc chi Cimicifuga (theo quy định của Dược điển) mà là thân rễ cây Strobilanthes forrrestii (họ ô rô - Acanthaceae), một thứ thường được dùng để giả mạo vị thăng ma ở Trung Quốc.

Ý dĩ bắc đang sử dụng ở trên thị trường phía Bắc không phải là nhân hạt của cây ý dĩ (coix lacryma) như quy định của Dược điển mà là nhân hạt cao lương (Sorghum vulgare), đây là thứ từ lâu được dùng để giả mạo ý dĩ ở Trung Quốc.

Cao xương các loại động vật như trâu, bò, lợn... được mạo danh là cao hổ cốt. Với các kỹ xảo tinh vi phù phép, đánh bóng gọt dũa, người ta có thể tạo ra những bộ xương hổ rởm từ các loại xương động vật khác để lừa bán trục lợi, trong đó xương gấu thường được dùng nhiều hơn cả vì khá giống xương hổ, rẻ tiền hơn và lại dễ chế tác.

Mật gấu khô được làm giả bằng túi mật của các động vật như lợn, trâu, bò, dê... hoặc từ bàng quang hay ruột động vật buộc thành túi, bên trong có chứa cao thực vật.

Đó là chưa kể những nhầm lẫn khi thay thế giữa hai loại hoàn toàn khác nhau như hoàng kỳ Bắc và hoàng kỳ Nam, đỗ trọng Bắc và đỗ trọng Nam, sài hồ Bắc và sài hồ Nam, mộc hương Bắc và mộc hương Nam... hoặc cố tình chế tác làm giả thiên ma từ khoai tây, hoài sơn từ củ sắn thông thường, địa cốt bì từ vỏ rễ cây đương nãi đằng (Periploca sepium)...

Dược liệu chất lượng không tốt

Dược liệu tốt là dược liệu được nuôi trồng đúng tiêu chuẩn, thu hái đúng thời gian, phơi sấy chế biến đúng phương pháp, không bị mốc, mọt, thối, bị sâu bọ ăn... và đạt tiêu chuẩn về quy cách, định tính, định lượng hoạt chất hoặc chất đặc trưng (còn gọi là chất chủ đạo), định lượng cao tan (chất chiết dược), thậm chí còn phải được tiêu chuẩn hoá tác dụng sinh học theo những mô hình kiểm tra nhất định. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, nhiều loại dược liệu không đảm bảo tiêu chuẩn là dược liệu tốt. Ví như:

Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm như nước ta, rất nhiều loại dược liệu dễ bị ẩm mốc, nhưng vì lợi nhuận người ta sẵn sàng lau chùi, cọ rửa... rồi lại đem phơi, sấy, đánh bóng lại rồi tiếp tục đem tiêu thụ. Nếu chỉ nhận biết bằng cảm quan, hình thức bên ngoài thì không dễ gì người tiêu dùng phát hiện được.

Bảo quản là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của dược liệu. Ví như khi bảo quản hoa hòe, rutin (hoạt chất chủ yếu của loại dược liệu này) có ở trong nụ nhiều hơn trong hoa. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, rutin trong nụ tươi thường khoảng 9%, khi phơi âm can thì còn khoảng 4,3% và phơi nắng to là 6,1%, nếu sao vàng ngay thì có thể bảo lưu được lượng rutin trong khoảng 6 - 9 tháng, còn không sao, cứ để sống thì trong thời gian bảo quản, men sẽ phân hủy làm rutin gần như biến mất. Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều vùng trồng dược liệu thì phương thức bảo quản hoa hòe là không thể chấp nhận được và hậu quả là thứ hoa hòe được đem tiêu thụ hầu như không còn tác dụng như mong muốn. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự với rất nhiều loại dược liệu khác.

Có một số dược liệu nhập ngoại hầu như đã bị chiết xuất gần hết các hoạt chất chính tạo nên tác dụng đặc trưng của nó, thông thường đó là những dược liệu quý và đắt tiền như ba kích, nhân sâm, hoàng kỳ, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo... Đây quả thực là những dược liệu “rác” theo đúng nghĩa của nó.

Một nghiên cứu kiểm nghiệm dược liệu trên 58% mẫu tại Viện Kiểm nghiệm cho thấy, chất lượng dược liệu là rất kém và nhiều mẫu hoạt chất chiết được chỉ có 0,5%.

Dược liệu không đảm bảo tính sạch và tinh khiết

Dược liệu sạch và tinh khiết là dược liệu mà tỷ lệ tạp chất như đất, cát không được quá tiêu chuẩn quy định; không có dược liệu khác không đúng lẫn vào; không có các bộ phận không dùng của cây dược liệu và chứa một hàm ẩm an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít loại dược liệu lưu hành trên thị trường không đảm bảo tiêu chuẩn này. Ví như:

Theo kết quả điều tra của nước ta cũng như Trung Quốc, trong một số mẫu dược liệu quý đó phát hiện thấy lượng nông dược vượt quá mức cho phép. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với lưu huỳnh (một chất thường được dùng để bảo quản dược liệu).

Một số dược liệu như tam thất được đánh bóng bằng những hợp chất của chì hoặc găm các viên chì nhằm làm đẹp và tăng trọng lượng của dược liệu nhằm mục đích kiếm lời.

Có hiện tượng “giá cả không hợp lý”, ví như: kê nội kim sống lại đắt hơn kê nội kim đã sao, nguyên nhân là trong kê nội kim đã sao có trộn một lượng lớn muối và minh phàn...

ThS. Hoàng Khánh Toàn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét