Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cây xanh

Tân dược của chúng ta phần nào được sản xuất từ nguyên liệu trong nước, còn lại đa phần phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài trong khi nhu cầu sử dụng cho điều trị và nghiên cứu khoa học ngày càng gia tăng. Một vấn đề cần được đặt ra ở thế mạnh ngành dược của chúng ta nằm ở đâu?

Trải qua mấy mươi năm tồn tại và phát triển, chuyên ngành tân dược của chúng ta đã đạt được những thành tích vô cùng to lớn, góp phần xứng đáng vào công cuộc phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành khoa học kỹ thuật khác, ngành tân dược chỉ có thể phát triển trên cơ sở có đủ các yếu tố thích hợp về nhân lực, vật lực và tài lực. Rất tiếc, cho đến nay, nguồn nguyên liệu ban đầu cung cấp cho ngành dược vẫn còn khá nhiều bất cập: do công nghiệp hóa và công nghệ sinh học còn yếu kém nên việc cung ứng nguyên liệu từ hóa chất và vi sinh vật còn hạn chế, chúng ta có biển dài và rộng nhưng kế hoạch và khả năng khai thác chưa tốt nên nguồn nguyên liệu từ đây còn phải cố gắng và kiên nhẫn chờ đợi; công nghiệp chiết xuất để tạo ra hoạt chất tinh khiết cung cấp cho công nghiệp bào chế cũng chưa được triển khai ở quy mô lớn do thiếu cơ sở vật chất và kỹ thuật...

Cây xanh - thế mạnh của ngành dược

Số lượng cây thuốc đã vượt xa so với 20 năm trước đây

Cây xanh chính là thế mạnh của ngành dược chúng ta

Cây xanh, hay nói đúng hơn là cây thuốc và những vị thuốc y học dân tộc, chính là thế mạnh của ngành dược chúng ta trong giai đoạn hiện nay và cả tương lai nữa. Nói như vậy là vì:

Nước ta nằm trong miền khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, thảm thực vật hết sức phong phú, trong đó có các cây cỏ được dùng làm thuốc. Theo Đỗ Huy Bích (1988) tổng số cây thuốc được phát hiện ở Việt Nam là 1.809 loài, trong đó 1.432 loài đã ghi được mùa hoa quả, 1.296 loài đã có tiêu bản. Nếu khảo sát theo tác dụng chữa bệnh thông thường thì có khoảng 253 cây chữa cảm sốt, 242 cây chữa ỉa chảy, 237 cây chữa kiết lỵ, 249 cây có khả năng tiêu độc, 282 cây chữa ho và viêm họng, 238 cây chữa tê thấp, 113 cây có tác dụng điều kinh... Điều đáng nói là, cùng với bề dày lịch sử của dân tộc, kho tàng các cây thuốc và vị thuốc này ngày càng lớn lên, phong phú và đa dạng hơn. Tính đến nay (2004), theo tài liệu của Viện Dược liệu, chúng ta đã tiến hành điều tra và thống kê được 3.948 loài cây và nấm lớn có công dụng làm thuốc. Như vậy, số lượng cây thuốc đã vượt xa so với 20 năm trước đây, trong đó có những cây rất đáng chú ý (mặc dù chưa được nghiên cứu đầy đủ) như xạ đen, móc mèo, lược vàng... và còn biết bao cây thuốc khác vẫn nằm rải rác trong dân gian hoặc trong những y thư gia truyền.

Chúng ta đã tiến hành điều tra và thống kê được 3.948 loài cây và nấm lớn có công dụng làm thuốc

Chúng ta có cả một kho tàng kinh nghiệm thành văn hoặc bất thành văn trong việc trồng trọt, thu hái, chế biến, bảo quản và sử dụng các cây thuốc để phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho con người. Điều đáng nói ở đây là, việc sử dụng các cây thuốc và vị thuốc này không phải là một “mớ bòng bòng” và “hổ lốn” mà có tính hệ thống cao bao gồm cả lý thuyết và thực hành dựa trên cơ sở triết học phương Đông. Cùng với thời gian, kho tàng kinh nghiệm này đã tồn tại, phát triển và được kiểm nghiệm khắt khe bởi thực tiễn. Ngày nay, với chủ trương hiện đại hóa y học cổ truyền, những giá trị này dần được chứng minh và càng có điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Như vậy, nguồn cây thuốc phong phú kết hợp với nền y học truyền thống vững chắc chính là cơ sở vật chất và động lực tạo nên một thế mạnh mà nhiều nước khác không dễ gì có được cho ngành dược của chúng ta.

Cây xanh - thế mạnh của ngành dược

Trồng dược liệu tại một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh

Hiện trạng sử dụng cây xanh làm thuốc

Tuy nhiên, tình hình sử dụng cây xanh làm thuốc ở nước ta hiện nay còn khá nhiều bất cập. Do việc khai thác thiếu tính tổ chức và kế hoạch nên nguồn dược liệu tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt, nhiều cây thuốc quý hiếm đang de dọa bị tiệt chủng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, người trồng dược liệu và doanh nghiệp nên không thúc đẩy được việc thành lập các vùng chuyên canh. Vấn đề nuôi trồng dược liệu chủ yếu là tự phát chưa có kế hoạch tổng thể và quy vùng sản xuất. Một số địa phương được coi là làng nghề trong lĩnh vực nuôi trồng dược liệu thì hiện nay đang bị đình đốn vì nhiều lý do khác nhau. Số gia đình trồng cây thuốc và diện tích trồng cây thuốc trong làng nghề giảm dần. Bởi vậy, theo số liệu năm 2005 nguồn dược liệu từ nuôi trồng trong nước chỉ chiếm chừng 26%, một con số rất khiêm tốn trong khi tiềm năng của chúng ta là vô cùng lớn. Dược liệu sử dụng chủ yếu dựa vào nhập khẩu thông qua con đường tiểu ngạch chiếm tỉ lệ lớn đến 54% mà chất lượng thì chưa được kiểm tra và quản lý chặt chẽ, cho nên vấn đề “dược liệu hay là rác” đang được đặt ra hết sức cấp thiết...

Những biện pháp cần làm để phát triển thuốc từ cây xanh

Cây xanh là một thế mạnh của ngành dược nước ta, điều mà lẽ ra cho đến nay chúng ta đã phải có, song rất đáng tiếc là trong một thời gian dài mặc dù nhiều chủ trương và kế hoạch đã được đặt ra nhưng chúng ta vẫn chưa có được những chuyển biến thực sự mang tính cách mạng và khoa học. Để làm được điều này, có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau đây:

- Tổ chức khảo sát, nghiên cứu điều tra, sưu thống kê các loại cây xanh làm thuốc, sự phân bố, hệ sinh thái và trữ lượng cây hiện có ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức bảo vệ, khai thác và tái sinh một cách hợp lý, tránh khai thác bừa bãi làm mất cân bằng sinh thái và tiệt chúng nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm.

- Hình thành và củng cố các trung tâm dược liệu, hàng năm có khảo sát xác định nhu cầu sử dụng dược liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, điều trị và xuất khẩu. Xây dựng các dự án quốc gia về việc bảo tồn và phát triển một số cây thuốc quý hiếm, ví dụ như sâm Ngọc Linh.

- Xây dựng và bảo vệ nguồn quỹ gen về dược liệu quý hiếm trên cơ sở phát triển công nghệ sinh học. Quan tâm đầu tư thích đáng cho công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt chú trọng tại các vùng chuyên canh.

- Đẩy mạnh việc trồng cây xanh làm thuốc ở các cơ sở của ngành y tế, ở từng địa phương và gia đình để tăng nguồn thuốc tự túc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, đồng thời nghiên cứu quy hoạch phân vùng chuyên canh, xen canh cây xanh làm thuốc, phát triển việc trồng cây thuốc tập trung với quy mô công nghiệp.

- Nghiên cứu lựa chọn chủng loại cây thuốc có giá trị kinh tế cao, hiệu quả điều trị tốt và nhu cầu sử dụng lớn. Đảm bảo cung ứng đầy đủ và có chất lượng các giống cây cho các cơ sở nuôi trồng dược liệu. Tổ chức hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây thuốc, tư vấn đầy đủ và cách phòng và chữa bệnh cho cây, kỹ thuật thu hoạch, sơ chế và bảo quản.

- Tổ chức ký hợp đồng sản xuất và thu mua kịp thời các sản phẩm do các cơ sở và hộ gia đình nuôi trồng. Có chính sách bảo hộ thích hợp, giá cả thu mua phải hợp lý, có tác dụng khuyến khích việc trồng cây xanh làm thuốc, tránh để người trồng bị thiệt thòi do trồng cây thuốc trong vùng chuyên canh và xen canh.

- Xây dựng những khu công nghiệp chuyên sơ chế và bào chế, kho tàng bảo quản dược liệu và mạng lưới phân phối đến các cơ sở sử dụng một cách kịp thời và thuận tiện đảm bảo chất lượng quy định.

- Phát động một phong trào thi đua trồng trọt và bảo vệ cây xanh làm thuốc rộng lớn trong nhân dân cả nước, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, nêu cao khẩu hiệu của, Đại danh y Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị Nam nhân”.

ThS. HOÀNG KHÁNH TOÀN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét