This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Sơn chi tử chữa đái dắt

Sơn chi tử là vị thuốc từ quả dành dành núi (Gardenia stenophylla Merr.) thuộc họ cà phê (Rubiaceac), tên khác là thủy hoàng chi, thường mọc ở ven bờ suối hoặc chân đồi giáp với ruộng nước. Khi dùng, ngâm quả vào nước sôi hoặc đem đồ khoảng nửa giờ rồi bóc vỏ lấy nhân. Nhân có thể để sống có tác dụng thanh nhiệt, sao qua dùng chín để tả hỏa hoặc sao đen để cầm máu.

Quả dành dành.

Quả dành dành.

Trong y học cổ truyền, sơn chi tử có vị đắng, tính hàn, có tác dụng tả hỏa, giải độc, lợi tiểu, chỉ huyết, được dùng trong những trường hợp sau:

Chữa đái ít, đái buốt, đái dắt: sơn chi tử, mộc thông, hạt mã đề, cù mạch, biển súc, hoạt thạch mỗi vị 12g; đại hoàng 8g; cam thảo nướng 6g. Sắc nước uống ngày 1 thang.

Chữa tinh hoàn sưng đau: sơn chi tử (sao đen) 30g, tiểu hồi (sao với muối) 30g, hạt quýt (sao với giấm) 30g, hạt vải 30g, ích trí nhân 20g, hạt cau rừng 15g, thanh bì (sao với dầu vừng) 18g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, mỗi lần uống với 6g cùng rượu vào lúc đói. Nếu không uống được ruợu, lấy 10 sợi cỏ tím sắc với nước, thêm ít muối rang làm thang mà uống.

Chữa nôn mửa: sơn chi tử (sao) 10g, trần bì 10g, tinh tre 10g, gừng sống 5g sắc với 400ml nước còn 100ml, uống nóng làm 2 lần trong ngày.

Chữa vết sẹo trên mặt: sơn chi tử và hạt bạch tật lê mỗi vị lượng bằng nhau tán nhỏ hòa với giấm. Lấy bông sạch thấm thuốc, bôi vào ban đêm, sáng hôm sau rửa mặt, làm liên tục vài ngày.

Chữa ho ra máu, thổ huyết: sơn chi tử (sao), hoa hòe (sao), sắn dây mỗi vị 20g. Sắc nước hòa thêm ít muối rồi uống.

DS. Hữu Bảo



Tỏi: vị thuốc trị tăng huyết áp, trợ tiêu hóa

Tỏi từ lâu đã được con người biết đến không chỉ là gia vị làm cho các món ăn thêm phần hấp dẫn và ngon miệng mà nó còn là một vị thuốc chữa bệnh kỳ diệu của thiên nhiên.

Tỏi chứa allicin, allistatin, allithiaminee, citral, arylcamphol, protein, lipid, carbohydrate, các sinh tố B1, B2, C, PP và các khoáng chất Ca, P, Fe. Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống đông máu và ngăn xơ cứng động mạch, trợ tim, lợi niệu, hạ mỡ máu, giải độc. Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ôn; vào tỳ, vị và phế. Có tác dụng điều vị, khai trợ tiêu hoá, giải uất tiêu tích (ôn trung hành trệ), chỉ khái trừ đàm, sát trùng giải độc. Dùng làm gia vị và cho người đau quặn bụng do lạnh, ăn uống không tiêu, kiết lỵ tiêu chảy, ho gà trạng thái tắc ruột cơ năng, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, côn trùng cắn đốt. Liều dùng 5 - 20g, nghiền đập vụn cho vào thực phẩm.

Một số bài thuốc có tỏi

Trị giun khỏi ngứa:

Bài 1: tỏi 200g bóc vỏ, giã nát, thêm 2.000ml nước, ngâm 24 giờ, lấy nước. Buổi tối trước khi đi ngủ, lấy nước rửa hậu môn, để riêng 10ml để thụt vào trong. Làm liên tục trong 7 ngày. Trị giun kim.

Bài 2: tỏi lượng vừa đủ, giã nát, thêm nước, lọc, thấm vào vải gạc nhét vào âm đạo, lượng nước còn lại rửa, đắp quanh âm đạo và hậu môn. Trị viêm âm đạo do trùng roi.

Bài 3: Ăn tỏi sống hoặc lấy nước ngâm tỏi 5% thụt vào hậu môn. Trị lỵ amip.

Tỏi có tác dụng ngăn xơ cứng động mạch, ngừa cục máu đông.

Tỏi có tác dụng ngăn xơ cứng động mạch, ngừa cục máu đông.

Giải độc, tiêu nhọt:

Bài 1: Cao tỏi: tỏi lượng vừa phải, giã nát, thêm ít dầu vừng hay dầu thực vật, trộn đều, đắp dày lên chỗ nhọt, thay thường xuyên. Trị nhọt độc sưng đau.

Bài 2: tỏi 4 - 12g, sơn đậu căn 4 - 12g. Sắc uống. Dùng ngoài, lấy tỏi giã nát đắp vào chỗ đau. Trị rắn độc hay rết cắn.

Bài 3: tỏi đun lấy nước để uống. Trị ngộ độc ăn cua cá.

Trừ đờm, trị ho: dùng cho người lao phổi, ho gà.

Bài 1: Thuốc sắc tỏi bách bộ: tỏi vỏ tím 60g, bách bộ 60g, tử uyển 60g. Các vị giã nát, ép nước tỏi để riêng và bảo quản ở nơi lạnh. Bã tỏi và tử uyển, bách bộ sắc lấy nước, cho thêm đường phèn vào, cô đặc đến dạng siro, cho nước ép tỏi vào khuấy đều để uống. Trị ho gà.

Bài 2:Nước sắc tỏi: tỏi 13 tép, bột bạch cập 4g, gạo nếp 60g. Đun tỏi chín tái, vớt ra, cho gạo nếp vào nấu cháo; cho tỏi và bột bạch cập vào, khuấy đều, ngày ăn 1 lần, dùng liền nửa tháng. Nghỉ 10 ngày sau làm tiếp 1 - 2 đợt nữa. Thích hợp cho người lao phổi.

Mực hấp tỏi là món ăn thích hợp với người bị phù do suy dinh dưỡng, viêm gan…

Mực hấp tỏi là món ăn thích hợp với người bị phù do suy dinh dưỡng, viêm gan…

Một số món ăn thuốc có tỏi

Tỏi ngâm dấm: tỏi già bóc bỏ vỏ, để nguyên hoặc nghiền nát ngâm với dấm, đậy nắp kín để hàng năm. Dùng tốt cho người đau quặn vùng bụng ngực do lạnh, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch.

Rau sam tỏi dấm: tỏi 1 - 2 củ, rau sam 100g, dấm ăn 10ml, muối ăn 3g. Tỏi bóc vỏ ngoài, giã nát trộn với dấm và muối, khuấy đều thêm gia vị khác (tương ớt…) phù hợp. Rau sam rửa sạch nhúng qua nước sôi, chấm với tỏi dấm ăn. Ngày 1 lần, liên tục 5 - 6 ngày. Dùng tốt cho người mụn nhọt chốc lở, đặc biệt là mụn nhọt mưng mủ có ngòi thường gặp ở người lớn, người đái tháo đường.

Cháo tỏi: tỏi 30g, gạo tẻ 100g. Tỏi bóc bỏ vỏ ngoài, chần trong nước sôi khoảng 1 phút, vớt ra. Gạo tẻ nấu cháo, khi nước sôi cho tỏi vào cùng nấu cho chín nhừ, ăn nóng sáng và tối. Dùng cho bệnh nhân có hội chứng lỵ cấp.

Tỏi ngâm dấm tốt cho người đau bụng do lạnh.

Tỏi ngâm dấm tốt cho người đau bụng do lạnh.

Tỏi xào bún thịt lợn: tỏi 10 củ, thịt lợn nạc ba chỉ 100g, bún hoặc mì sợi 200g. Tỏi bóc bỏ vỏ giã nát, thịt lợn thái lát. Thịt xào chín, cho bún xào tiếp đảo đều thêm gia vị, cho tỏi vào sau cùng đảo nhanh tay và tắt bếp. Ăn nóng. Thích hợp cho người viêm khí phế quản ho dài ngày.

Tỏi hấp cá mực: cá mực tươi 400g, tỏi 150g. Cá mực làm sạch thái lát; tỏi bỏ vỏ ngoài, giã đập vụn, thêm dấm ăn, không cho muối gia vị, hấp cách thủy; chia ăn 2 lần trong ngày. Dùng cho người bị phù do suy dinh dưỡng, do xơ gan cổ trướng; viêm thận.

Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng và người bị viêm tấy ở mắt, miệng lưỡi, răng cần thận trọng.

Hiện nay, sản phẩm ủ lên men gọi là tỏi đen. Tỏi đen có tác dụng dược lý quý báu nhưng lạm dụng gây hao khí nên mỗi ngày chỉ dùng khoảng 5g, dùng 10 - 15 ngày một liệu trình.

Lương y Thảo Nguyên

Cây tề thái chữa xuất huyết, lợi niệu

Tên khác: cây tề, địa mễ thái hay tề thái, cỏ tam giác. Tên khoa học: Capsella bursa - pastoris (L.) Medic., họ cải (Brassicaceae). Tề thái là loại cỏ mọc hoang ở miền Bắc nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây. Trong dân gian cũng dùng để nấu cháo, ép nước tươi để uống hoặc làm bánh dạng bánh khúc tề thái, dùng cho các loại xuất huyết, phù nề, đau mắt đỏ, viêm đường tiết niệu.

Tề thái nấu thịt nạc thích hợp với phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều.

Tề thái có các alkaloid acid ascorbic và nhiều acid khác. Ngoài ra còn có tinh dầu, caroten, các sinh tố B1, B2, các khoáng chất K, Ca, Mn, Na, Fe... Theo Đông y, tề thái vị ngọt, tính ấm; vào can và vị. Có tác dụng bổ tỳ kiện vị, thanh can minh mục, chỉ huyết lợi niệu. Dùng cho các trường hợp chảy máu cam, thổ huyết khái huyết, niệu huyết, tiện huyết, kinh nguyệt nhiều, đau mắt đỏ (viêm sưng kết mạc mắt), phù nề đầy trướng. Liều dùng: cây tươi 50 - 100g, dạng khô 10 - 15g. Có nhiều cách dùng như nấu hãm, ép nước.

Món ăn thuốc có tề thái:

Chè tề thái mứt táo ngó sen: tề thái 60g, ngó sen 20g, mứt táo 5 quả, thêm nước lượng thích hợp nấu sắc thành dạng canh hoặc chè đặc, ăn cả cái lẫn nước. Dùng cho các trường hợp chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Canh tề thái xương lợn: rau tề thái tươi 100g, xương lợn 80 - 100g. Xương lợn chặt nhỏ, ninh cho nhừ rồi cho tề thái, thêm muối mắm gia vị. Ăn trong ngày 1 - 2 lần vào bữa chính. Dùng cho các trường hợp chảy máu cam, đái ra huyết, đau mắt đỏ...

Canh tề thái thịt nạc: tề thái hoa 30g, thịt lợn nạc 100g. Nấu canh ăn hoặc dùng nấu tề thái với cá mực ăn. Món này thích hợp cho phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều.

Canh tề thái trứng gà: tề thái tươi 200g, trứng gà 1 hoặc 2 quả. Tề thái rửa sạch cắt ngắn, cho vào nồi thêm nước lượng tùy ý nấu thành canh. Khi rau chín nhừ, đập trứng gà, thêm muối gia vị ăn. Dùng cho các trường hợp lao thận đái ra máu.

Tề thái còn được dùng làm thuốc chữa các bệnh sau:

Chữa phế ung, tức ngực khó thở, không nằm được, toàn thân phù thũng: tề thái 20g, đại táo 5 quả. Thái đại táo thành nhiều miếng; sắc uống trong ngày.

Trị bụng trướng thũng đầy, tay chân gầy khô, đái sẻn ít: tề thái 20g, đình lịch tử 20g, trần bì 8g. Sắc uống.

Chữa tăng huyết áp, xuất huyết đáy mắt, choáng váng đau đầu: tề thái tươi 50g sắc nước uống thay trà hằng ngày.

Chữa phùng thũng, sản phụ sau đẻ bị xuất huyết: tề thái tươi 30 - 50g, sắc nước uống hằng ngày.

Chữa ho khạc ra máu: tề thái tươi 30g, ngó sen 30g. Sắc nước uống.

Lương y Thảo Nguyên

Chữa rối loạn tiêu hóa với cây ngải cau

Cây ngải cau còn có tên là tiên mao, cồ nốc lan, sâm cau, tại một số địa phương vùng cao bà con gọi là soọng ca, thài léng,… thuộc họ tỏi voi lùn. Là loại cây thảo, sống lâu năm, cao 20 - 30cm hay hơn.

Thân rễ mập, hình trụ dài, mọc thẳng, thót lại ở hai đầu, mang nhiều rễ phụ. Lá 3 - 6 hình mũi mác hẹp, xếp nếp và có gân như lá cau. Cụm hoa 3 - 5 hoa nhỏ màu vàng.

Cây ngải cau

Bộ phận dùng để làm thuốc là thân rễ, có tên dược liệu là tiên mao. Người ta thu hái quanh năm, tốt nhất là vào mùa thu. Đào lấy củ rễ về rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, ngâm nước vo gạo một đêm rồi phơi hoặc sấy khô.

Theo Đông y, ngải cau có vị cay, tính ấm, vào kinh thận, tác dụng ôn bổ thận khí, tráng dương, ôn trung, táo thấp, tán ứ, trừ hàn thấp, mạnh gân cốt. Thường dùng chữa cho nam giới thận dương hư suy, tinh lạnh, liệt dương, tay chân yếu mỏi; phụ nữ tử cung lạnh, khí hư bạch đới, tiểu đục; người cao tuổi thường bị tiểu đêm, tiểu són, lạnh bụng, lưng, gối lạnh đau, phong thấp, vận động khó khăn, suy nhược thần kinh.

Một số bài thuốc theo kinh nghiệm:

Bài 1: Chữa liệt dương do rối loạn thần kinh chức năng: Ngải cau 10g, sâm bố chính, trâu cổ, câu kỷ tử, ngưu tất, tục đoạn, thạch hộc, hoài sơn, cáp giới, mỗi thứ 12g; cam thảo nam, ngũ gia bì mỗi thứ 8g. Tất cả thái nhỏ phơi khô, sắc với 750ml nước, còn 250ml chia 2 lần uống trong ngày. Uống liên tục 7 ngày.

Bài 2: Chữa rối loạn tiêu hóa: Ngải cau phơi khô, thái nhỏ, sao vàng, lấy 12g sắc với 200ml nước còn 50ml, uống 1 lần trong ngày. Uống 3 - 5 ngày cho hết triệu chứng.

Dược liệu từ cây ngải cau.

Bài 3: Chữa tê thấp, đau nhức toàn thân: Ngải cau, hà thủ ô, hy thiêm, mỗi thứ 20g, thái nhỏ, ngâm với 500ml rượu trắng trong 7 - 10 ngày, ngâm càng lâu càng tốt, ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml. Uống liên tục từ 7 - 10 ngày.

Bài 4: Chữa tăng huyết áp (tiền mãn kinh): Ngải cau 12g, ba kích 12g, dâm dương hoắc 12g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, đương quy 12g. Tất cả cho vào ấm sắc với 750ml nước, còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. Uống liên tục 10 ngày.

Kiêng kỵ: Những người bị âm hư hỏa vượng không nên dùng. Khi áp dụng những bài thuốc trên cần có sự tư vấn của các bác sĩ đông y có uy tín, kinh nghiệm.

Bác sĩ Trần Thị Hải

Chữa đau bụng do lạnh với rau muối

Rau muối thường mọc ở các bãi sông, ven đường, ruộng và nương rẫy bỏ hoang thường được bà con miền núi, ven biển sử dụng làm rau nấu canh ăn có tác dụng thanh nhiệt. Cây rau muối đã có vị mặn nên khi chế biến nên không cần bỏ muối.

Loài cây thảo mà mặt lá có những điểm trắng rất nhỏ như giọt sương muối nên được gọi là cây rau muối. Thân cây nhẵn, phân nhánh nhiều. Lá mọc so le, có cuống ngắn, các lá phía dưới lớn hơn, có hình thoi, có răng lượn sóng ở mép, lá có màu lục trắng và có phấn (do có lông mọng nước, làm cho mặt lá như rắc bột, rắc muối). Hoa tập hợp thành chùm, bao hoa trắng không cuống, nhuỵ có 2 đầu nhuỵ. Quả bế; hạt óng ánh, màu đen. Mùa ra hoa khoảng tháng 2 - 6, có quả vào mùa thu.

Rau muối có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn.

Toàn cây được sử dụng làm thuốc, thân cây có lá chứa 87,7% nước, 5,3% protein, 1,2% glucid và khoáng toàn phần 2,2%. Ngoài ra cây có các muối khoáng như: calcium, phospho, vitamin C…

Theo Đông y, rau muối có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, sát khuẩn, chữa tả lỵ, chống ngứa. Ngoài ra rau có tác dụng nhuận tràng và trừ giun, lá có tác dụng chống viêm, an thần, nhuận tràng nhẹ, trị kiết lỵ, tiêu chảy...

Một số bài thuốc thường dùng

Bài 1: Chữa đau bụng do lạnh: Rễ cây rau muối 20g, rửa sạch. Cho 500ml nước sắc còn 150ml nước, chia 2 lần uống trong ngày. Uống lúc còn ấm, dùng liền 5 ngày.

Bài 2: Chữa cước khí đầu gối, bàn chân đau nhức: Lá rau muối 20g, cho 500ml nước sắc còn 150ml nước, chia 3 lần uống nóng trong ngày, cách nhau mỗi lần 3 giờ. Dùng 5 - 10 ngày. Kết hợp với ngâm chân. Lấy cả cây rau muối (1 nắm to), rửa sạch cho vào nồi đổ ngập nước, đun sôi khoảng 15 phút. Để nước ấm (tránh bị nóng gây bỏng) ngâm chân 15 phút, ngâm cho nước đến nguội (rồi chế thêm nước cho nóng). Sau đó, lau khô chân và xoa bóp 2 bàn chân, đặc biệt gan bàn chân (xoa bóp 5 phút). Làm như vậy nhiều lần sẽ rất tốt.

Bài 3: Giảm đau răng, viêm chân răng: Lấy 20g lá rau muối, rửa sạch, cho 400ml nước, sắc đặc còn 100ml nước, ngậm và súc miệng thường xuyên sẽ hiệu nghiệm (sau mỗi lần ngậm hay súc miệng không được nuốt).

Lưu ý: Để bài thuốc có hiệu quả và phù hợp với cơ địa cần được các nhà chuyên môn bắt mạch tư vấn.

Lương y Hữu Nam

Công dụng của củ nâu

Hỏi: Củ nâu ngoài công dụng dùng nó để nhuộm vải còn được làm thuốc hay không?

(Nguyễn Văn Dũng - Tây Ninh)

Trả lời: Củ nâu còn gọi là khoai leng, vũ dư lương.

Tên khoa học Dioscorea cirrhosa Lour.

Thuộc họ Củ nâu Dioscoreaceae.

củ nâu

Mô tả cây

Dây leo thân nhẵn, ở gốc có nhiều gai. Lá mọc cách ở gốc, mọc đối ở ngọn. Hoa mọc thành bông. Củ ở trên mặt đất tròn, vỏ sần sùi , màu xám nâu, thịt đỏ hơi trắng.

Mặc dù tên khoa học chỉ xác định có một nhưng trên thực tế người ta thấy có mấy loại củ nâu:

- Củ nâu dọc đỏ; củ xám vàng nhạt, vỏ không sần sùi, nhựa màu đỏ nhạt. Loại củ nâu này nhuộm vải cho màu bóng.

- Củ nâu dọc trai hay củ nâu dọc dưa; vỏ thường bị nứt, màu nâu xám nhạt, nhựa đỏ hơn loại trên.

- Củ nâu trắng hay củ nâu tẻ; vỏ củ có rãnh, màu nâu đỏ nhạt, nhựa màu vàng nhạt hơi hồng; người ta thường dùng loại củ nâu này để nhuộm những nước đầu tiên rồi mới nhuộm những loại củ nâu đỏ nói trên vì người ta cho rằng loại củ nâu này làm cho vải thêm dày và bền.

Phân bố thu hái và chế biến

Củ nâu mọc hoang tại hầu hết những vùng rừng núi ở nước ta nhiều nhất tại các tỉnh: Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An… Còn được khai thác ở Lào.

Trước đây có một số vùng người ta thử trồng bằng những củ con và cho cây mọc leo những cây khác hay dùng cọc cho leo.

Trước đây củ nâu được dùng cho rất nhiều trong nước (vì hầu hết nông dân ta đều mặc quần áo nhuộm màu nâu). Hàng năm chúng ta còn xuất từ 5.000 - 8.000 tấn sang Trung Quốc. Những năm gần đây vai trò củ nâu để nhuộm quần áo bị thuốc nhuộm tổng hợp cạnh tranh, nhưng vẫn còn được sử dụng để nhuộm lưới một số ít dùng để nhuộm vải.

Công dụng và liều dùng

Ngoài công dụng làm lương thực, củ nâu còn được dùng làm thuốc. Tính chất của củ nâu theo tài liệu cổ là vị ngọt, tính hàn, không có độc, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, dùng chữa ho, hòn khối trong bụng, đau bụng dưới, chữa xích bạch đới, băng huyết. Không phải hư chứng mà có thực tà chớ dùng.

Thông thường làm thuốc hiện nay người ta chỉ hay dùng củ nâu để chữa ỉa chảy, đi lỵ. Uống dưới dạng bột hay thuốc sắc với liều 10 - 16g một ngày.

Nhưng nhu cầu lớn nhất của củ nâu trong đời sống nhân dân ta trước đây là để nhuộm vải. Củ nâu cạo sạch vỏ, mài nhỏ hay giã nát với nước. Lượng nước gấp 5 hay 6 lần lượng củ nâu. Gạn lấy nước trong. Nhúng vải vào nước này trong 5 - 6 giờ sau đó lấy ra phơi nắng cho khô. Mặt phơi ra nắng có màu sẫm hơn mặt quay xuống đất. Làm như vậy nhiều lần. Cuối cùng muốn cho bóng thì nhúng vào nước củ nâu đun sôi.

(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

của GS. ĐỖ TẤT LỢI

Giải đáp 4 thắc mắc lớn về vấn đề phụ khoa của chị emGiải đáp 4 thắc mắc lớn về vấn đề phụ khoa của chị emBáo động bệnh loét dạ dày - tá tràng ở trẻ emBáo động bệnh loét dạ dày - tá tràng ở trẻ emSuy tuyến thượng thận do bỏ thuốc giữa chừngSuy tuyến thượng thận do bỏ thuốc giữa chừng

Linh chi chống suy nhược

Linh chi tư bổ cường thân, chữa trị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, mất sức. Dưới đây là những món ăn chế biến từ linh chi.

Chè linh chi bồi bổ cơ thể:

Vật liệu: linh chi 10g, nếp 50g, lúa mì 60g, đường trắng 30g.

Cách làm - cách dùng: linh chi rửa sạch, thái lát, bọc trong vải mùng. Nếp, lúa mì vo sạch. Tất cả cho vào nồi đất, đổ 3 chén nước, ninh với lửa nhỏ, sau đó bỏ ra bọc thuốc, nêm đường thì dùng. Ngày 1 lần, dùng sau bữa cơm chiều.

Chè linh chi

Chè linh chi

Công hiệu: dưỡng tâm, ích thận, bổ hư, hỗ trợ điều trị chứng tâm thần bất an, mất ngủ, mất sức, ra mồ hôi, mồ hôi trộm, ớn lạnh…

Rượu linh chi - hoài sơn tư âm, sinh tân:

Vật liệu: linh chi, hoài sơn, ngô thù du, ngũ vị tử với mỗi thứ 15g, rượu trắng 1,5 lít.

Cách làm - cách dùng: tất cả vật liệu thái nhuyễn, bọc trong túi vải, đặt trong keo, đổ vào rượu trắng, đậy kín, để nơi thoáng mát, mỗi ngày lắc 1 lần, ngâm 1 tháng thì dùng. Ngày 2 lần, mỗi lần 10ml. Uống lâu dài.

Công hiệu: tư âm sinh tân. Thích hợp dùng điều trị các chứng phế thận âm hư, ho do hư lao, miệng khô ít dịch, ra mồ hôi trộm, di tinh…

Rượu linh chi chữa suy nhược thần kinh, nâng sức chống lạnh:

Vật liệu: linh chi 30g, rượu trắng 0,5 lít.

Cách làm - cách dùng: linh chi thái lát, bỏ trong keo, đổ rượu trắng, đậy kín, ngâm 1 tuần thì dùng. Ngày 2 lần, mỗi lần 10 - 20ml. Uống lâu dài.

Công hiệu: dưỡng huyết an thần, ích tinh dưỡng nhan, nâng khả năng chống lạnh, kháng bệnh… Dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, mộng nhiều, ngủ không sâu, tinh thần không phấn chấn, rối loạn tiêu hóa, ho suyễn hay viêm phế quản mạn ở người cao tuổi…

Rượu linh chi - hoài sơn ích can thận - bổ tâm tỳ:

Vật liệu: linh chi, hoài sơn, ngũ vị tử, sơn thù với mỗi thứ 25g, rượu gạo 1 lít.

Cách làm - cách dùng: các vật liệu thái nhuyễn, ngâm trong rượu, đậy kín, để nơi thoáng mát, mỗi ngày lắc 1 lần, sau 1 tuần thì dùng. Ngày 2 lần, mỗi lần 10 - 15ml. Uống lâu dài.

Công hiệu: ích can thận, bổ tâm tỳ. Thích hợp dùng chữa các chứng suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, mất ngủ, tỳ-can-thận hư, di tinh, tiểu nhiều, huyết trắng ra nhiều…

Rượu linh chi - đan sâm tư bổ cường thân:

Vật liệu: linh chi 30g, đan sâm 5g, tam thất 5g, rượu trắng 0,5 lít.

Cách làm - cách dùng: các vật liệu thái lát, bỏ trong keo, đổ vào rượu trắng, đậy kín, để nơi thoáng mát. Mỗi ngày lắc vài lần, sau 2 tuần thì dùng. Ngày 2 lần, mỗi lần 20 - 30ml. Uống lâu dài.

Công hiệu: hoạt huyết hóa ứ, bổ ích tinh thần, trị hư nhược. Thích hợp dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, ứ huyết, choáng váng do thiếu oxy não, mất sức, bệnh mạch vành…

Linh chi - thục địa ẩm chữa hồi hộp mất ngủ:

Vật liệu: linh chi 10g, thục địa 25g.

Cách làm - cách dùng: linh chi và thục địa rửa sạch, cho vào nồi đất thêm nước để sắc, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước thứ nhất, lại thêm nước để sắc nước thứ hai. Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết. Nên uống liên tục trên 1 tháng.

Công hiệu: chữa huyết hư, mất ngủ, hồi hộp…

Linh chi - thủ ô ẩm tư bổ cường thân:

Vật liệu: linh chi 10g, hà thủ ô (chế) 20g.

Cách làm - cách dùng: linh chi và hà thủ ô rửa sạch, cho vào nồi đất thêm nước để sắc, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước thứ nhất, lại thêm nước để sắc nước thứ hai. Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết. Nên uống liên tục trên 1 tháng.

Công hiệu: bổ khí, tư âm, sinh tân. Dùng chữa chứng suy nhược cơ thể, mất sức, lưng gối mỏi đau, sắc mặt không sáng…

Linh chi - bạch thược ẩm chữa suy nhược thần kinh:

Vật liệu: linh chi 10g, bạch thược 10g, đường trắng vừa đủ.

Cách làm - cách dùng: linh chi và bạch thược rửa sạch, cho vào nồi đất thêm nước để sắc, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước đầu, lại thêm nước để sắc nước thứ hai. Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết, khi uống có thể thêm đường trắng vừa đủ. Nên uống liên tục trên 1 tháng.

Công hiệu: bình can, dưỡng huyết, an thần. Chữa chứng suy nhược thần kinh, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm…

Linh chi - long nhãn bổ hư cường thân:

Vật liệu: linh chi (tím) 15g, long nhãn 10g.

Long nhãn

Long nhãn

Cách làm - cách dùng: linh chi thái lát, cùng long nhãn cho vào nồi đất, thêm nước sắc, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước đầu, lại thêm nước để sắc nước thứ hai. Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết, dùng liên tục trong 2 tuần.

Công hiệu: dùng chữa các chứng mất ngủ, ớn lạnh, ăn kém… do tâm tỳ hư nhược gây ra.

Linh chi ẩm:

Vật liệu: linh chi 10g.

Cách làm - cách dùng: linh chi thái lát mỏng hay thái nhuyễn, sau khi dùng lửa nhỏ nấu duy trì 1 giờ kể từ lúc sôi, đổ ra nước đầu, lại thêm nước để sắc nước thứ hai (cũng có thể dùng nhiều lần nước sôi hãm để uống). Hai nước hòa lại, chia uống 2 lần vào sáng và chiều cho hết, dùng lâu dài.

Công hiệu: cải thiện tuần hoàn máu, nâng cao chức năng sinh lý cơ thể… Dùng chữa các chứng như mất ngủ, hay quên, họ khạc nhiều đàm, hồi hộp, tức ngực thở ngắn, cảm mạo nhiều lần, bệnh đái tháo đường, hen suyễn, bệnh mạch vành, khối u…

Canh linh chi bổ não:

Vật liệu: linh chi 20g, lòng đỏ trứng gà 2 quả, tủy heo 25g, óc heo 1 bộ, bột ngọt 1g, muối 3g, rượu đế 15ml, hành 2 cọng, gừng lát 10g, nước dùng 0,5 lít.

Canh linh chi

Canh linh chi

Cách làm - cách dùng: linh chi rửa sạch thái lát mỏng, cho vào nồi, đổ nước, dùng lửa nhỏ sắc hai lần, lấy hai nước khoảng 200ml. Lòng đỏ trứng khuấy tan, óc heo cắt khoảng 10 lát cùng tủy heo cho vào chén, đổ rượu đế, nêm bột ngọt trộn đều, đổ dầu vào chảo, đổ óc heo, tủy heo và lòng đỏ trứng vào chiên, thêm nước sắc Linh chi, đồng thời kèm vật liệu nêm nếm như muối, gừng lát, hành, dùng lửa mạnh nấu sôi, duy trì sôi 5 phút thì hoàn tất. Món canh chia 2 lần dùng hết trong ngày. Dùng liên tục trên 1 tháng.

Công hiệu: bổ can thận, ích huyết kiện não, có tác dụng tăng trí lực đối với trẻ em, trì hoãn suy giảm trí lực đối với người lớn tuổi, cũng có thể chữa các chứng như suy nhược thần kinh, hồi hộp váng đầu, vai lưng ê đau…

Canh linh chi - gừng tươi dưỡng tâm an thần:

Vật liệu: linh chi 15g, hoàng kỳ 15g, thịt nạc heo 200g, rượu đế, muối, hành, gừng, bột tiêu với mỗi thứ vừa đủ.

Cách làm - cách dùng: linh chi, gừng tươi ngâm thấm rửa sạch, thái lát mỏng, gừng hành đập dập; thịt nạc rửa sạch trụng qua nước sôi, vớt ra rửa sạch, thái lát vuông. Hoàng kỳ, thịt heo, hành gừng, rượu đế cùng cho vào trong nồi, đổ nước vừa đủ, nấu sôi bằng lửa mạnh, vớt váng, chuyển lửa nhỏ ninh đến khi thịt nhừ, nếm muối, bột tiêu thì hoàn tất. Ngày 1 lần, dùng liền 1 tháng.

Công hiệu: bổ khí dưỡng huyết, bổ ích phế thận, dưỡng tâm an thần. Dùng chữa các chứng ớn lạnh, mất sức, hấp thu kém…

Linh chi cường thân phiến:

Vật liệu: linh chi 10g, nhân sâm 10g.

Cách làm - cách dùng: linh chi và nhân sâm cùng thái lát, thêm nước sắc với lửa nhỏ, sau khi vớt bỏ linh chi, uống nước và ăn nhân sâm. Ngày 1 lần, dùng liền 1 tháng.

Công hiệu: bổ ích cường tráng, dùng chữa suy nhược thần kinh và các bệnh mạn tính dương hư khác mà gây ra váng đầu ù tai, hồi hộp mất ngủ, chán ăn, thiếu máu, vàng bủn, thở ngắn, mất sức… Nhất là thích hợp ứng dụng sau cơn bệnh nặng hoặc sau phẫu thuật.

Trà Linh chi bổ khí dưỡng nhan:

Vật liệu: linh chi thái lát mỏng hay tán thành bột.

Cách làm - cách dùng: dùng nước sôi để hãm nửa giờ, mỗi liều có thể hãm vài lần, cho đến khi màu nước lợt thì thôi. Uống lâu dài.

Công hiệu: bổ trung ích khí, dưỡng nhan thính tai, sống lâu… Thích hợp dùng chữa các chứng thận hư khí suy, thính giác kém và sắc mặt không sáng, mặt sạm màu, cao mỡ máu, cao huyết áp…

Bột linh chi chữa suy nhược thần kinh:

Vật liệu: linh chi sấy khô, tán bột mịn.

Cách làm - cách dùng: dùng uống với mật ong, ngày 2 lần, lần 3 - 5g. Uống lâu dài.

Công hiệu: dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, thở ngắn hồi hộp, mệt mỏi mất sức, cao mỡ máu, cao huyết áp. Uống lâu dài, tăng sức đề kháng thấy rõ.

Linh chi - bạc hà ẩm chữa hay quên, mất ngủ:

Vật liệu: linh chi 5g, bạc hà 5g, cốc nha 5g, đường trắng 25g, nước 250ml.

Cách làm - cách dùng: linh chi và bạc hà thái nhuyễn, cốc nha sao thơm. Linh chi và cốc nha cùng cho vào nồi đất, thêm nước và đường trắng nấu cô đến sệt, vớt bỏ bã linh chi, rồi thêm bạc hà, nấu tiếp 5 phút thì hoàn tất. Ngày 1 thang, chia 2 lần uống hết. Uống lâu dài.

Công hiệu: tác dụng bổ não ích trí, thích hợp dùng chữa các chứng hay quên, mất ngủ, phiền táo mùa hè, thở ngắn, yếu sức…

Canh linh chi - hoàng kỳ an thần:

Vật liệu: linh chi 10g, hoàng kỳ 15g, thịt nạc heo 100g.

Cách làm - cách dùng: linh chi và hoàng kỳ thái lát mỏng, thịt nạc heo thái lát vuông, cho vào nồi thêm nước, ninh cho đến khi thịt nhừ, khi ăn nếm ít muối. Ngày 1 thang. Dùng canh, ăn thịt. Dùng liền nửa tháng.

Công hiệu: an thần, nâng sức đề kháng, chống cảm. Dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, giảm tiểu cầu, giảm huyết sắc tố…

Linh chi - Hoa Kỳ sâm - tam thất tán:

Vật liệu: linh chi 90g, Hoa Kỳ sâm 30g, tam thất 30g, đan sâm 50g.

Cách làm - cách dùng: tất cả dược liệu rửa sạch, sấy khô, tán mịn, chứa trong keo. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 3g, uống với nước ấm.

Công hiệu: linh chi và Hoa kỳ sâm dưỡng tâm ích khí huyết, giảm cholesterol; tam thất và đan sâm hòa huyết thông lạc, giảm đau. Bốn vị thuốc dùng chung, có tác dụng ích khí dưỡng âm, thông lạc giảm đau… dùng chữa các chứng khí ấm hư kèm ứ huyết gây ra hồi hộp, tức ngực, thở ngắn, miệng khô…, cũng dùng chữa bệnh mạch vành và chứng huyết ứ.

(SKĐS cuối tuần)

Chữa tiêu hóa kém với cỏ cú

Cỏ cú còn gọi là cỏ gấu, củ gấu, củ gấu biển, củ gấu vườn, hải dương phụ, họ Cói, là loài cỏ sống lâu niên cao 20 - 30 cm. Theo Đông y, rễ chùm (củ) của cỏ cú để điều chế vị thuốc được gọi là hương phụ có vị cay, hơi đắng, hơi ngọt, tính bình...

Cỏ gấu là một loại cỏ sống lâu nǎm; lá nhỏ hẹ, ở giữa lưng có gân nổi lên, cứng và bóng, phần dưới lá ôm lấy thân cây; thân rễ phát triển thành củ; tuỳ theo đất rắn hay xốp củ phát triển to hay nhỏ. ở vùng bờ biển củ to, dài, chất lượng dược liệu tốt hơn, thường gọi là hải hương phụ (hương phụ vùng biển). Vào tháng 6, trên ngọn cây có 3 đến 8 cụm hoa hình tán màu xám nâu; nhụy có đầu núm chia thành 2 nhánh như lông tơ; quả 3 cạnh màu xám. Củ gấu có thể thu hoạch quanh nǎm. Thông thường, người ta đào củ về rửa sạch đất cát, phơi khô, đốt cho cháy hết lông, cất nơi khô ráo đề dùng dần làm thuốc.

Cây cỏ cú

Theo Đông y, rễ chùm (củ) của cỏ cú để điều chế vị thuốc được gọi là hương phụ có vị cay, hơi đắng, hơi ngọt; tính bình có công dụng chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mạn tính, đau dạ dày, ăn uống kém tiêu…

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 - 12g. Dạng thuốc sắc, bột, viên, cao hay rượu thuốc. Dùng riêng hay phối hợp trong các phương thuốc phụ khoa, đau dạ dày.

Cách bào chế: Củ cỏ cú loại bỏ lông và tạp chất; rửa sạch để ráo sao đó nghiền vụn hoặc thái lát mỏng và đổ thêm giấm vào khuấy đều, ủ một đêm, đợi cho hút hết giấm, cho vào chảo sao lửa nhẹ đến màu hơi vàng, lấy ra, phơi khô. Cứ 10 kg Hương phụ dùng 2 lít giấm.

Một số bài thuốc có hương phụ:

Chữa kinh nguyệt không đều: Hương phụ 3g, ích mẫu 3g, ngải cứu 3g, bạch đồng nữ 3g, sắc với nước; chia 3 lần uống trong ngày.

Muốn cho kinh nguyệt đều, uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh hoặc gần kỳ kinh hay đau bụng hoặc hương phụ chế tán bột ngày uống 10g với nước nóng hoặc nước ngải cứu. Dùng liên tục trong một tháng hoặc có thể lâu hơn.

Chữa đau bụng, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa: Hương phụ 40g, riềng khô 80g (riềng chọn củ nhỏ màu vàng nhạt). Hai thứ tán nhỏ cất vào lọ kín, mỗi lần uống 6 - 8g (trẻ em mỗi lần uống 2 - 4g) với nước chè nóng. Uống 3 - 5 ngày.

Chữa tiêu hóa kém: Hương phụ (sao) 12g, vỏ quýt (sao) 12g, vỏ vối (sao) 12g, vỏ rụt (sao) 16g, chỉ xác 12g. Sắc nước uống 5 ngày.

Chữa cảm cúm, gai rét, nhức đầu, đau mình: Hương phụ 12g, tía tô 10g, vỏ quýt 10g, cam thảo 4g, hành 3 cây, gừng tươi 3 lát, sắc uống (đơn thuốc của Tuệ Tĩnh).

Chú ý: Người âm hư huyết nhiệt không nên dùng.

Bác sĩ Hữu Đức

Hà thủ ô bổ can, thận

Hà thủ ô còn gọi là giao đằng, thủ ô, dạ hợp... Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson., họ rau răm (Polygonaceae). Hà thủ ô là rễ củ phơi hay sấy khô của cây hà thủ ô. Theo Đông y, hà thủ ô vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn, vào các kinh can và thận. Tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết bổ âm giải độc, nhuận tràng thông tiện.

Hà thủ ô dùng cho người can thận âm hư, huyết hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối ù tai điếc tai, râu tóc bạc sớm, di tinh, huyết trắng, táo bón, hội chứng lỵ mạn tính, trĩ xuất huyết, sốt rét, lao hạch, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch. Liều dùng: 12 - 60g. Bổ huyết thì dùng hà thủ ô chế; nhuận tràng thông tiện thì dùng hà thủ ô sống.

Hà thủ ô đỏ.

Một số bài thuốc trị bệnh có hà thủ ô:

Trị chứng buồn bực, mất ngủ, mộng mị: dạ giao đằng 12g, đan sâm 12g, trân châu mẫu 60g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bổ huyết, an thần, dùng cho người huyết hư, lo lắng, mất ngủ, râu tóc bạc sớm: hà thủ ô chế 12g, bắc sa sâm 12g, quy bản 12g, long cốt 12g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thuốc ích thận, cố tinh, dùng khi gan thận đều yếu, lưng và đầu gối đau nhức buốt, phụ nữ khí hư, di tinh - Thất bảo mỹ nhiệm đơn: hà thủ ô chế 20g, bạch linh 12g, ngưu tất 12g, đương quy 12g, thỏ ty tử 12g, phá cố chỉ 12g, câu kỷ tử 12g, kỷ tử 12g. Tất cả tán thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 12g, chiêu bằng nước muối loãng.

Dùng khi thiếu máu, tăng huyết áp, đầu váng, mắt hoa, chân tay tê cứng: hà thủ ô chế 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, bạch thược 12g, hạn liên thảo 12g, sa uyển tật lê 12g, hy thiêm thảo 12g, tang ký sinh 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trường hợp sốt rét lâu ngày hại đến chân âm, sốt li bì triền miên dùng hai bài thuốc sau:

- Hà thủ ô sống 60g, sài hồ 12g, đậu đen 20g. Sắc với nước, đem phơi sương 1 đêm, sáng hôm sau hâm lại uống.

- Hà nhân ẩm: hà thủ ô chế 16g, đảng sâm 12g, đương quy 12g, trần bì 12g, gừng nướng12g. Sắc uống.

Thuốc nhuận tràng, thông tiện. Trị các chứng huyết hư, tân dịch khô nên đại tiện bí: hà thủ ô tươi 30 - 60g. Sắc uống.

Hà thủ ô uống hàng ngày có thể chữa chứng tinh trùng yếu, tinh loãng.

Phối hợp với tang ký sinh, nữ trinh tử để chữa tăng huyết áp do xơ vữa mạch máu.

Kiêng kỵ: Người thể đàm thấp, tỳ hư, đại tiện lỏng không được dùng.

Lưu ý: Ở Việt Nam, ngoài hà thủ ô đỏ, còn dùng rễ của cây hà thủ ô trắng (dây sữa bò, hà thủ ô Nam), thuộc họ thiên lý. Dùng thay hà thủ ô đỏ làm thuốc bổ máu, nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu chi tiết. Theo kinh nghiệm dân gian, vị thuốc này có tác dụng chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét, phụ nữ sau đẻ mà không có sữa.

Chú ý: Khi thu hái hà thủ ô trắng cần hết sức tránh nhầm với dây càng cua cũng thuộc họ thiên lý; cây mác chim thuộc họ trúc đào (Apocynaceae); các cây này đều là cây có độc.

BS. Tiểu Lan


Vị thuốc từ rễ cây qua lâu

Cây qua lâu (trichosanthes kirilowi maxim.) thuộc họ bí (cucurbitaceae), có tên khác là dưa trời, dưa núi, hoa bát, vương qua (tên gọi ở miền Bắc, dây bạc bát, bát bát châu (tên miền Nam), người Tày gọi là thau ca.

Đó là một dây leo có rễ củ thuôn dài thắt khúc. Lá mọc so le, hình tim, xẻ 5 thùy nông, có khía răng, mặt trên điểm những chấm trắng, tua cuốn chia nhánh. Hoa đơn tính màu trắng, đầu cánh có nhiều sợi dài; hoa đực mọc thành cụm dài, hoa cái đơn độc ở kẽ lá. Quả hình cầu hoặc hình trứng, màu lục có dọc trắng, khi chín màu đỏ, hạt nhiều, hình trứng dẹt, màu nâu. Rễ cây qua lâu còn gọi là qua lâu căn, tên thuốc trong y học cổ truyền là thiên hoa phấn.

Dược liệu có màu vàng hoặc nâu nhạt ở mặt ngoài, mặt cắt màu trắng có điểm mạch gân màu vàng, thể chất cứng rắn, khó bẻ gãy, vị nhạt sau hơi đắng, chua, không mùi, tính hàn, có tác dụng sinh tân dịch, chỉ khát, nhuận táo, giảm đau chữa sốt nóng, đái tháo đường, miệng khô, khát nước, đoản hơi, hoàng đản, lở ngứa, sưng tấy, trĩ rò. Ngày dùng 8 - 16g dưới dạng thuốc sắc hoặc thái mỏng, giã nát, ngâm nước, lọc lấy bột, dùng mỗi lần 4 - 8g. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

- Chữa sốt nóng, da vàng, miệng khô khát: rễ qua lâu 8g, rễ cây é lớn đầu 8g hoặc hạt đậu đen 8g, sắc với 200ml còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày.

- Chữa mụn nhọt lâu ngày: rễ qua lâu 8g; ý dĩ, bạch chỉ, mỗi vị 10g. Sắc hoặc tán bột uống.

- Chữa đái tháo đường: rễ qua lâu 8g; thục địa, hoài sơn mỗi vị 20g; đơn bì, kỷ tử, thạch hộc mỗi vị 12g; sơn thù, sa nhân mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Hoặc rễ qua lâu 12g, rau bợ nước 10g, phơi khô, tán nhỏ, hòa với sữa uống.

- Chữa tắc tia sữa: rễ qua lâu 8g; bạch thược 12g; sài hồ, đương quy, xuyên sơn giáp mỗi vị 8g; thanh bì, cát cánh, thông thảo mỗi vị 6g. Sắc uống trong ngày.

- Chữa sốt rét, thể rét nhiều, sốt ít hoặc không sốt: rễ qua lâu 8g; mẫu lệ 12g; sài hồ, quế chi, hoàng cầm mỗi vị 8g; can khương, cam thảo mỗi vị 6g. Sắc uống.

- Chữa thấp khớp mạn: rễ qua lâu, thổ phục linh, cốt toái bổ, thạch cao, kê huyết đằng, đơn sâm, sinh địa, rau má, uy linh tiên, hy thiêm, khương hoạt, độc hoạt mỗi vị 12g; bạch chỉ 8g; cam thảo 4g. Sắc uống trong ngày.

TTƯT.DSCKII. Đỗ Huy Bích


Phân biệt dừa nước và dừa cạn

Dừa nước hay còn gọi là rau dừa nước, hay du long thái (rau giống con rồng đang bơi) [Ludwwigia adscendans (L.) Hara], họ rau dừa nước (Onagraceae) là loại thảo, mọc bò, nổi trên mặt nước nhờ các phao xốp trắng, hình trứng. Thân hình trụ, mềm yếu, có rễ ở các mấu. Lá mọc so le, gốc thân đầu tù, hai mặt nhẵn. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu trắng. Quả nang. Cần phân biệt với cây dừa nước (Nypa fruticans Wurmb. họ cau) mọc ở các rạch nước lợ ở một số vùng biển miền Nam: Cà Mau, Gò Công, Tân An...

Ở Việt Nam, rau dừa nước phân bố ở hầu hết các tỉnh đồng bằng, trung du và vùng núi thấp. Thường mọc ở đầm lầy, ao hồ. Có thể thu hái quanh năm, nhiều nhất vào mùa thu, dùng tươi hay phơi khô.

Trong rau dừa nước có chứa các thành phần flavonoid, tanin, chất nhầy, nhiều muối K, Na.

Theo YHCT, rau dừa nước có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, mát máu, giải độc.

Rau dừa nước được dùng trong để chữa cảm sốt, ho khan, tiểu đục, phù thũng, lỵ ra máu. Đắp ngoài chữa sưng, lở, vết thương, nấm tóc. Liều dùng chung từ 10 - 20g; có thể đến 100g khô. Dùng ngoài không kể liều lượng.Dừa cạn.

Dừa cạn.

Một số bệnh, chứng thường dùng rau dừa nước.

Viêm cầu thận cấp, đái ra dưỡng chấp và các bệnh đái đục khác, rau dừa nước 100-200g sắc uống, ngày 1 thang trước bữa ăn; hoặc rau dừa nước 30-40g, rễ non cây đa 20-30g (loại rễ mọc từ cành tủa xuống), nam tỳ giải 15-20g (củ kim cang gai), sắc uống, ngày 1 thang trước bữa ăn.

Vết thương phần mềm, ứ máu, sưng tấy hoặc mụn nhọt, đinh độc: rau dừa nước 30g, vỏ thân cây gáo (lớp vỏ trắng) 30g, sắc uống, ngày 1 thang trước bữa ăn.

Cảm sốt: rau dừa nước 30g, thái lài tía 10g, sắc uống, ngày 1 thang trước bữa ăn.

Dừa cạn còn gọi là Trường xuân hoa (Catharanthus roseus (L.) G. Don, họ trúc đào (Apocynaceae).

Dừa cạn là cây thuộc thảo, cao 0,4 - 0,8m. Lá mọc đối, hình thuôn dài 3-8cm, rộng 1-2,5cm. Hoa mọc đơn độc ở nách lá, 5 cánh hoa, màu hồng hay trắng. Quả gồm hai đại, mỗi đại chứa khoảng 12-20 hạt, màu nâu nhạt. Dừa cạn là cây có nguồn gốc từ châu Mỹ, hiện nay, ở nước ta, dừa cạn phổ biến ở hầu hết các vùng miền, chủ yếu mọc hoang trên các bãi cát ven biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng... Còn được trồng làm cảnh và làm thuốc ở Hà Nội và các thành phố khác.Dừa nước.

Dừa nước.

Bộ phận dùng của dừa cạn là lá và rễ. Thường thu hái lá trước khi cây ra hoa vì lúc này hàm lượng hoạt chất alcaloid là cao nhất, đem phơi khô hoặc sấy nhẹ đến khô. Với rễ dừa cạn, sau khi rửa sạch đất cát, đem phơi khô hoặc sấy nhẹ ở 50 độ đến khô.

Thành phần hóa học của dừa cạn chủ yếu là các alcaloid: vinblastin, vincristin, ajmalicin...

Lá dừa cạn có vị đắng, tính mát. Quy các kinh tâm, can với công năng hoạt huyết, tiêu thũng giải độc, an thần, hạ áp. Trị tăng huyết áp, tiểu đường, kinh nguyệt không đều, lỵ, bí tiểu tiện. Liều dùng chung của lá: từ 8-16g dưới dạng sắc hoặc hãm.

Rễ dừa cạn có vị đắng, tính mát, có độc. Quy kinh can, tâm, thận với công năng hạ huyết áp, giải độc, an thần. Dùng chủ yếu đối với bệnh tăng huyết áp. Còn dùng rễ để chiết xuất một số alcaloid trị một số bệnh ung thư. Liều dùng chung của rễ từ 8-12g dưới dạng sắc hoặc hãm.

Như vậy, khác với rau dừa nước thường dùng để trị một số bệnh chứng về bệnh đường tiết niệu như đái đục, đái khó, đái ra dưỡng trấp thì dừa cạn chủ yếu dùng trị bệnh tăng huyết áp, tinh thần căng thẳng.

Tuyệt nhiên không dùng cây dừa cạn để chữa bệnh ung thư vì ung thư là bệnh loạn sản tế bào, đối với thuốc dược liệu và thuốc YHCT nói chung chỉ có thể dùng hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư sau khi đã qua xạ trị, hoặc hóa trị liệu... nhằm tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện các tình trạng suy yếu cơ thể, hoặc cải thiện các chức năng tiêu hóa, tuần hoàn... giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Như ta đã biết, một vài alcaloid của dừa cạn như vincristin, vinblastin đã được chiết xuất và bào chế dưới dạng muối sulfat để tiêm, trị liệu đối với bệnh ung thư máu.

Vì hàm lượng của các thành phần có hoạt tính ức chế tế bào ung thư nào đó trong dược liệu nói chung và trong dừa cạn nói riêng là rất thấp, do vậy, không thể dùng trực tiếp dược liệu nói chung và dừa cạn nói riêng để chữa bệnh ung thư được.

Với những thông tin trên, hy vọng sẽ giúp độc giả hiểu thêm về công dụng của hai loài cây thuốc mang tên dừa. Đặc biệt là những thông tin cần thiết về cây dừa cạn.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Sơn chi tử giải độc, lợi tiểu

Sơn chi tử là quả của dành dành núi (Gardenia stenophylla Merr) thuộc họ cà phê (Rubiaceac), tên khác là thủy hoàng chi, thường mọc ở ven bờ suối hoặc chân đồi giáp với ruộng nước. Sơn chi tử thu hái khi chín, ngắt bỏ cuống, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Khi dùng ngâm quả vào nước sôi hoặc đem đồ khoảng nửa giờ rồi bóc vỏ lấy nhân. Nhân có thể để sống có tác dụng thanh nhiệt, sao qua dùng chín để tả hỏa hoặc sao đen để cầm máu.

Sơn chi tử.

Dược liệu có vị đắng, tính hàn, có tác dụng tả hỏa, giải độc, lợi tiểu, chỉ huyết, được dùng trong những trường hợp sau:

Chữa tinh hoàn sưng đau: sơn chi tử (sao đen) 30g, tiểu hồi (sao với muối) 30g, hạt quýt (sao với giấm) 30g, hạt vải 30g, ích trí nhân 20g, hạt cau rừng 15g, thanh bì (sao với dầu vừng) 18g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, mỗi lần uống với 6g với rượu vào lúc đói. Nếu không uống được rượu, lấy 10 sợi cỏ tím sắc với nước, thêm ít muối rang làm thang mà uống.

Chữa nôn mửa: sơn chi tử (sao) 10g, trần bì 10g, tinh tre 10g, gừng sống 5g sắc với 400ml nước còn 100ml, uống nóng làm 2 lần trong ngày.

Chữa đái ít, đái buốt, đái dắt: sơn chi tử, mộc thông, hạt mã đề, cù mạch, biển súc, hoạt thạch mỗi vị 12g; đại hoàng 8g; cam thảo nướng 6g. Sắc nước uống ngày 1 thang.

Chữa vết sẹo trên mặt: sơn chi tử và hạt bạch tật lê mỗi vị lượng bằng nhau tán nhỏ hòa với giấm. Lấy bông sạch thấm thuốc, bôi vào ban đêm, sáng hôm sau rửa mặt, làm liên tục vài ngày.

Chữa ho ra máu, thổ huyết: sơn chi tử (sao), hoa hòe (sao), sắn dây mỗi vị 20g. Sắc nước hòa thêm ít muối rồi uống.

DS. Huyền Hoa


Mướp

Mướp là một loại rau quả dùng phổ biến trong nhân dân, được chế biến thành nhiều món ăn ngon, thanh mát trong mùa hè. Bên cạnh đó, mướp còn là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Cây mướp thuộc loại dây leo, thân có nhiều tua cuốn bò lan trên giàn, hoa màu vàng, trái thuôn dài có màu xanh nhạt, chứa nhiều dưỡng chất, vị ngọt, tính bình, có mùi thơm nhẹ. Mướp có hai loại: mướp trâu là loại quả to, màu xanh đậm; mướp hương quả nhỏ, màu xanh nhạt và có mùi thơm ngát. Cả hai loại đều dùng làm thực phẩm và làm thuốc.

Phân tích thành phần dinh dưỡng, trong 100g mướp có chứa 95g nước, 0,9g protit, 0,1g lipit, 3g ghucit, 0,5gr xeluloza, 28mg sắt, 160mcg betacaroen, vitamin B, C... Mướp giàu sinh tố, khoáng vi lượng, chất nhớt và chất xơ rất tốt cho cơ thể.

Mướp được dùng chữa bệnh như sau:

Món ăn lợi sữa: Mướp tươi 1 quả, muối ăn 10g. Mướp gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng cho vào nồi, thêm 1 lít nước, cho muối vào đun sôi, cho sản phụ uống đến khi sữa ra nhiều. Hoặc dùng móng giò lợn nấu mướp để ăn với cơm hàng ngày. Công dụng: kích thích tiêu hóa, tăng cường tuần hoàn máu và lưu thông tuyến sữa.

Giảm đau do viêm họng: Lá mướp hương 2 - 3 lá, rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, gạn uống làm một lần, làm vài lần trong 2 - 3 ngày.

Giảm ho, tan đờm do viêm khí phế quản: Quả mướp tươi để cả vỏ rửa sạch, giã nát, vắt lấy 40ml nước, hòa trộn với 10ml mật ong, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 20 - 30ml. Dùng 3 - 5 ngày.

Mướp vị ngọt tính bình, là vị thuốc chữa nhiều bệnh.

Món canh thanh nhiệt, giải độc: Mướp tươi 2 quả, thịt ba chỉ 200g, hành, gừng và gia vị vừa đủ. Mướp gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng vuông. Thịt ba chỉ rửa sạch thái miếng vừa ăn. Đun nóng chảo, cho dầu ăn và hành, gừng xào thơm, rồi cho thịt ba chỉ, gia vị vào xào đảo đều trong 5 phút. Tiếp theo cho mướp vào xào thêm 2 phút. Đổ 3 - 4 bát nước, để nhỏ lửa đun trong 5 phút là được, dùng làm canh ăn trong bữa cơm. Có thể dùng thường xuyên.

Chữa sạm da: Dùng 1 quả dưa chuột tươi, 1 quả mướp non (nhỏ bằng quả dưa chuột). Cả hai rửa sạch, để cả vỏ xay nát, lọc lấy nước cốt thoa lên mặt, sau 30 phút rửa mặt lại với nước lạnh. Làm thường xuyên có tác dụng chữa sạm da, giúp da mịn màng, trắng sáng.

Chú ý: Những người tỳ vị hư yếu, hay đau bụng, đại tiện lỏng nát không nên dùng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga